Làn sóng thứ 3 trên thị trường địa ốc TP.HCM

Thị trường bất động sản TP.HCM đang có sự phát triển theo vòng của từng khu vực – đầu tiên là khu Nam, rồi đến khu Đông và gần đây là sự trỗi dậy của khu Tây Nam. Tại buổi tọa đàm “Cơ hội đầu tư vào bất động sản Tây Nam” tổ chức tuần qua, nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng đây sẽ là làn sóng thứ 3 của thị trường địa ốc TP.HCM.

Hạ tầng mở lối

Trong chiến lược phát triển đô thị của TP.HCM được xác định sẽ phát triển theo 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc. Ghi nhận thực tế cho thấy, đã trở thành quy luật, sau những cú huých về chiến lược phá triển hạ tầng, là kéo theo sự phát triển của thị trường bất động sản tại khu vực đó.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam cho rằng, một thời gian dài, nói đến thị trường bất động sản TP.HCM là chúng ta nói nhiều đến thị trường phía Đông và phía Nam, nhưng thời gian gần đây, thị trường phía Tây (quận 6, quận 8, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh) đang có những bước tiến vượt bậc vì sự phát triển của hạ tầng khu vực.

Kể từ năm 2015, đặc biệt từ đầu năm 2016 đến nay, bất động sản khu vực phía Tây Nam TP.HCM như thỏi nam châm hút mạnh nguồn vốn của các chủ đầu tư.

Một nghiên cứu mới đây của CBRE cho thấy, lần đầu tiên nguồn cung căn hộ phía Tây trong năm 2016 và quý I/2017 khu Tây lớn hơn cả phía Đông và phía Nam. Nếu như trong năm 2015, nguồn cung căn hộ ở phía Tây chỉ chiếm 18% tổng nguồn cung trên toàn thị trường, thì sang năm 2016, con số này đã tăng lên 25%, tương đương 8.800 căn và trong quý I/2017, con số này đã chiếm mức 35%.

“Khu Tây đang trở thành khu vực hấp dẫn không phải với nhà đầu tư, mà với cả những người mua để ở. Tỷ lệ giao dịch rất tốt ở khu vực này, hầu hết các dự án được bán ra với tỷ lệ giao dịch thành công lên tới 80-90%. Tại một số dự án trước đây có tỷ lệ bán không tốt, thì hiện nay, sau khi “đổi chủ”, được thay đổi thiết kế và phương thức thanh toán, tỷ lệ bán đạt đến hơn 90%”, bà Dung cho biết.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đến thời điểm này, thị trường bất động sản khu Tây Nam gần như chưa có dự án bất động sản cao cấp nào. Tuy nhiên, về tổng quan, con đường phát triển ở khu Tây đang đi theo khu Nam và khu Đông, đó là hạ tầng đang đi trước 1 bước, kéo theo đó là sự tăng cường dịch vụ phục vụ cho người dân.

Cụ thể, hệ thống hạ tầng khu vực phía Tây Nam thời gian qua đã tương đối phát triển khá tốt, như các tuyến đường lớn Đại lộ Đông Tây, đường Nguyễn Văn Linh, tuyến metro số 3a, cao tốc Bến Lức – Long Thành, Quốc lộ 50 mở rộng, cầu Nhị Thiên đường mới, cộng với các khu đô thị mới đang hình thành…

Ngoài ra, khá nhiều tuyến đường huyết mạnh được Thành phố đầu tư thời gian qua đã khơi thông kết nối khu Tây với các khu vực khác, như các tuyến đường Kinh Dương Vương, Hồng Bàng, tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương, khởi công vào năm 2010 và dự kiến đi vào hoạt động năm 2019), tuyến metro số 6 Bình Phú (Tân Bình – Phú Lâm) kết nối giữa tuyến metro số 3A (Bến Thành – Bến xe miền Tây) tại vòng xoay Phú Lâm và tuyến metro số 2 tại Bà Quẹo hoàn thành…

Cuộc đổ bộ chủ đầu tư bất động sản

Kể từ năm 2015, đặc biệt từ đầu năm 2016 đến nay, bất động sản khu vực phía Tây Nam TP.HCM như thỏi nam châm hút mạnh nguồn vốn của các chủ đầu tư. Tính đến thời điểm hiện nay, phần lớn các đại gia trên thị trường địa ốc đã có dự án đầu tư tại khu vực này, trong đó riêng Bình Tân và Tân Phú đã có đến hàng chục dự án đang được đầu tư xây dựng.

Nhận diện được tiềm năng phát triển của khu Tây, bên cạnh các doanh nghiệp địa ốc, nhiều “ông lớn” trong ngành bán lẻ, y tế, giáo dục… cũng đã nhanh chân tiến vào khu vực này như Aeon Mall, Co.op mart, Big C, các trường học quốc tế, Bệnh viện Quốc tế Thành Đô và trong tương lai là Bệnh viện Nhi Đồng 3 cũng sẽ sớm đi vào hoạt động, góp phần nâng cao tiện ích cho cộng đồng cư dân khu vực này.

© 2018 Gamuda Land